22/12/2021 20:10  
Tại Việt Nam, thương mại điện tử vẫn chiếm một tỷ trọng nhất định trong tổng doanh số bán hàng, và có tốc độ tăng trưởng bình quân 20 -25% / năm.

Người dùng chuyển dịch lên không gian mạng

Theo một báo cáo toàn cầu của Zebra về sự thay đổi của khách hàng khi thực hiện mua sắm trong năm 2021, có thể thấy một điểm nhấn đó là rất nhiều người đã chuyển dịch lên không gian mạng để mua sắm thay vì bước chân vào các cửa hàng tạp hóa, siêu thị.

Đây được xem là hệ quả tất yếu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp cùng biến chủng Omicron tại nhiều khu vực trên thế giới.

Báo cáo cho biết có tới 65% số người tham gia khảo sát lo lắng về việc tiếp xúc với người khác. Thậm chí, 73% số người thậm chí còn không muốn vào lại các cửa hàng để mua hàng.

Cũng theo nghiên cứu, gần 3/4 (73%) người mua muốn được giao hàng tại nhà thay vì nhận hàng tại cửa hàng hoặc địa điểm khác. Hơn ba phần tư (77%) nói họ đặt hàng trên thiết bị di động.

Không chỉ thế hệ X, Y, Z quen với thương mại điện tử, khảo sát này cho thấy hơn một nửa số người lớn tuổi (sinh năm 1964 trở về trước) cũng đã bắt đầu sử dụng TMĐT trên thiết bị di động (m-commerce). 35% nhóm này nói rằng họ đã sử dụng các ứng dụng di động để đặt món ăn hoặc mua thực phẩm.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong TMĐT

Trả lời Dân trí, ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh khu vực Đông Nam Á (SEA), Zebra Technologies Châu Á Thái Bình Dương cho biết Việt Nam đang là quốc gia có tiềm năng lớn về thương mại điện tử, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. 

"Chúng ta thấy rằng có sự kết hợp giữa môi trường mua sắm trực tiếp và trực tuyến, thương mại điện tử vẫn chiếm một tỷ trọng trong tổng doanh số bán hàng", ông Christanto nhận định.

Ông Christanto trích một khảo sát của Zebra tại Việt Nam, cho thấy khoảng 2 năm trước, TMĐT chỉ chiếm khoảng 6%. Tuy nhiên giờ đây theo ông, TMĐT tại Việt Nam đã chiếm 2 con số trong tỷ trọng bán lẻ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20 -25%/năm.

Bà Tracy Yeo, Giám đốc Zebra Technologies tại thị trường Việt Nam cũng cho biết do thay đổi hành vi của khách hàng, TMĐT sẽ tăng trưởng và tiếp tục nở rộ trong thời gian tới, sau đại dịch Covid-19, bởi thời gian làm việc của khách hàng đã và sẽ thay đổi. Trong đó, bà đặc biệt nhấn mạnh về xu thế gia tăng về mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, các siêu thị nhỏ tại đất nước hình chữ S.

"Họ bận rộn hơn và họ muốn nhận được các mặt hàng chuyển phát tới nhà. Do đó, TMĐT sẽ phát triển rất nhanh chóng trong thời gian tới tại Việt Nam", bà Tracy kết luận.

Theo thống kê của Zebra, doanh số về TMĐT tại Việt Nam ít nhất đạt 11,8 tỉ USD vào năm 2020 và sẽ còn có tiềm năng tăng mạnh ít nhất là 18% trong những năm sau. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin khách hàng, cũng như nạn hàng giả - hàng nhái khi đặt mua trên các sàn TMĐT tại Việt Nam vẫn còn là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận.

Bà Tracy cho biết một số nhà sản xuất và đơn vị bán lẻ tại Việt Nam hiện đang hợp tác với nhau để triển khai giải pháp có tên gọi là "Track and Trace" (truy xuất nguồn gốc), nhằm chống lại nạn hàng giả.

Thí dụ như khi được sử dụng bởi một số đơn vị sản xuất thực phẩm đồ uống, giải pháp sẽ giúp các bên giám sát được món đồ này không hàm chứa những gia vị hoặc những thành tố độc hại, cũng như có nguồn gốc rõ ràng trước khi tới tay người tiêu dùng.

Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Kinh doanh   Việt Nam   hành vi   hợp tác   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...