02/09/2021 21:05  
Chiều tối 2.9, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP (BCĐ), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết hôm nay (ngày thứ 17 Đà Nẵng phong tỏa toàn TP) là ngày thứ 2 liên tiếp có số ca mắc dừng ở 2 con số. Tuy nhiên TP vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ.

Đã có 37 dương tính sau cách ly tập trung

Bí thư Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế kiểm tra, đánh giá các ca F0 phát sinh sau khi kết thúc việc cách ly; kiểm tra, xem lại tình hình giám sát ở các khu cách ly. Đặc biệt, theo ông Quảng, cần kiểm tra việc tiếp xúc của những người trong khu cách ly. Ngành y tế cần giám sát lại việc tổ chức cách ly tại nhà bởi với tình hình như hiện nay, việc giám sát tại nhà là rất khó khăn vì TP không có đủ lực lượng.
Bí thư Đà Nẵng cho rằng, người sau cách ly tập trung khi về nhà có ý thức chấp hành còn chưa tốt nên cần thiết phải rà soát việc cách ly tại nhà. “Đây là 1 trong 5 nguồn lây cơ bản mà tôi đã tổng kết. Hiện nay, đã có 37 trường hợp sau kết thúc cách ly tập trung thì dương tính. Đây là nguồn lây ra ngoài cộng đồng rất nguy hiểm. Cần có giải pháp cơ bản tham mưu cho BCĐ quản lý tốt. Kể cả việc có những trường hợp qua đánh giá cần tiếp tục cách ly thêm”, ông Quảng chỉ đạo.
Về ngăn chặn dịch bệnh trong khu phong tỏa, nhất là các kiệt, hẻm và khu chung cư, Bí thư Đà Nẵng cho biết hiện vẫn chưa cắt đứt được nguồn lây ở ngay chính trong các khu vực này. Mặc dù, Q.Thanh Khê đã triển khai quyết liệt các biện pháp nhưng vẫn phát sinh ca bệnh. Các quận, huyện cần quyết liệt hơn nữa và triển khai chủ động các biện pháp, kể cả biện pháp giãn nhân khẩu ở trong khu vực này để ngăn chặn sớm dịch bệnh.
“Khu phong tỏa bản chất là trong cộng đồng dân cư nên phải quyết liệt cắt đứt nguồn lây ngay chính trong khu phong tỏa”, ông Quảng nói và hoan nghênh việc Q.Cẩm Lệ giãn nhân khẩu ở khu chung cư ở đường Văn Tiến Dũng (nơi ghi nhận 14 ca Covid-19) kịp thời và cương quyết. Tương tự Q.Thanh Khê, và Hải Châu phải đánh giá và có những quyết định. Hiện Q.Ngũ Hành Sơn sẵn sàng tiếp nhận người giãn cách nếu các địa phương khác không còn các khu giãn dân.
“Đặc biệt, không để lọt nguồn lây từ vùng đỏ sang vùng vàng và vùng xanh. Tôi đề nghị lãnh đạo các quận huyện, phường xã phải chịu trách nhiệm trong việc này. Đây là một nguy cơ rất lớn. Các địa phương phải quan tâm ngăn chặn triệt để việc này, nếu không thành quả của chúng ta sẽ nhanh chóng chuyển màu và làm lại từ đầu”, ông Quảng nhấn mạnh.

Không để lợi dụng đi tiêm vắc xin để làm việc khác

Tại cuộc họp, Bí thư Đà Nẵng cho hay, hiện TP đã có 108.000 liều vắc xin về TP. Sắp tới, TP sẽ có lượng vắc xin khá lớn so với từ trước đến nay. Do đó, ông Quảng cho rằng, yêu cầu đặt ra là cần tổ chức tiêm nhanh và an toàn. Các quận, huyện tập trung lập danh sách các đối tượng tiêm, trong đó rà soát danh sách đã lập để không sót lọt các đối tượng. Vắc xin đã có thì việc tiêm đúng và đủ cho các đối tượng theo kế hoạch được ban hành là trách nhiệm của các địa phương. Địa phương phải thông qua công an để lập danh sách này.
Theo đó, ngành y tế sẽ phải tiếp tục triển khai nhiều hơn các điểm tiêm và đưa điểm tiêm chủng xuống sát với cơ sở hơn. Ngành y tế cần đào tạo đội ngũ tiêm chủng chuyên nghiệp hơn…; bổ sung các điều kiện, phương tiện cho các trạm y tế tiêm chủng để đẩy nhanh việc tiêm vắc xin các đối tượng ở các khu dân cư, hạn chế việc di chuyển người đi tiêm.
Đáng chú ý, qua giám sát, Bí thư Đà Nẵng đề nghị Q.Liên Chiểu kiểm tra lại việc đã có người lợi dụng việc được đi tiêm rồi tranh thủ để đi mua hàng. “Tôi tin ở một số địa phương khác cũng có hiện tượng như thế. Do chúng ta tổ chức những điểm tiêm xa nên bà con tranh thủ đi tiêm rồi đi mua hàng thiết yếu, gây nên sự lộn xộn. Ngành y tế phải có kế hoạch và chủ động làm sớm để tuần tới khi có lượng vắc xin mới về thì đáp ứng được nhu cầu tiêm vắc xin của người dân”, ông Quảng nói.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cũng chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch xét nghiệm, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp với tình hình trong thời gian tới. Cần tính toán năng lực tiêm vắc xin đáp ứng nhu cầu thực tế. Các địa phương khẩn trương lập danh sách tiêm vắc xin, kiện toàn lại các tổ hỗ trợ Covid-19 khu dân cư… Bởi sau ngày 5.9, khi TP sẽ mở ra các hoạt động thì cường độ làm việc của tổ này sẽ cao hơn. Do đó, cần phải huy động lực lượng có sức khỏe, huy động thanh niên, phụ nữ…
“Tới đây, TP sẽ mở ra một số hoạt động thiên về sản xuất kinh doanh, các dịch vụ chính. Vẫn phải hạn chế người dân ra đường. Việc cung ứng lương thực, thực phẩm chủ yếu qua shipper, qua tổ dân phố là chính, nhất là ở vùng đỏ, vàng. Vùng xanh có thể mở hơn một chút…, ông Chinh thông tin thêm tình hình sau khi hết hạn 20 ngày Đà Nẵng phong tỏa.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   Cẩm Lệ   dịch vụ   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...