20/05/2021 20:25  
Nhận định Đà Nẵng bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, song ông Lê Trung Chinh nói thành phố không chủ quan vì "khả năng trong cộng đồng còn người nhiễm nCoV".

Sau hơn 2 tuần bùng dịch phát, số ca nhiễm ở Đà Nẵng đang giảm dần với 1- 2 ca mỗi ngày. VnExpress phỏng vấn Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh về biện pháp dập dịch trên địa bàn.

- Cơ sở nào để lãnh đạo thành phố khẳng định dịch bệnh đã được kiểm soát, thưa ông?

- Việc nói cơ bản kiểm soát được là so với thời điểm đầu mùa dịch. Có được kết quả này là sự cố gắng, làm việc không quản ngày đêm của nhân viên y tế tuyến quận, huyện đi truy vết. Lãnh đạo thành phố cũng duy trì các cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch vào cuối mỗi buổi chiều và đã có những đêm không ngủ để kịp nắm bắt tình hình, đưa ra những biện pháp cần thiết.

Hiện thành phố đã xét nghiệm được gần 240.000 trường hợp, qua đó phát hiện 147 ca dương tính. Con số các ca bệnh đang giảm dần, hai ngày liên tiếp chỉ phát hiện mới 2 ca và ngày 20/5 là một ca. Tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan với dịch bệnh, vì còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về khả năng trong cộng đồng còn người nhiễm nCoV. Đơn cử như hai ca lây nhiễm cộng đồng gần đây được phát hiện từ lấy mẫu ngẫu nhiên.

So sánh với đợt dịch tháng 7/2020, Covid-19 tấn công vào bệnh viện chính của Đà Nẵng, điều kiện phòng kín điều hoà dễ lây lan và nhiều bệnh nhân mang bệnh nền. Còn lần này là dịch lây lan ở cộng đồng, có phần nhẹ nhàng hơn. Nhưng dù ở đâu thì việc chống dịch cũng phải thần tốc truy vết và dập dịch ngay.

Trong hai tuần qua, một số thời điểm căng thẳng nhưng thành phố đã đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Ví dụ như ngày 11/5, phát hiện 35 ca dương tính liên quan đến Công ty Trường Minh trong khu công nghiệp An Đồn, ngay trong đêm và sáng hôm sau thành phố đã truy vết và đưa toàn bộ các F1 đi cách ly tập trung; làm xét nghiệm cho hơn 11.000 mẫu những người liên quan. Khi có kết quả âm tính đã cho dỡ phong toả để khu công nghiệp hoạt động bình thường.

Hiện ngành y tế tập trung xét nghiệm tại các khu công nghiệp và trong ngày 20/5 hoàn thành việc lấy mẫu 100% đại diện hộ gia đình ở quận Sơn Trà, nơi đang có nguy cơ cao vì ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng nhưng chưa tìm ra nguồn lây.

May mắn với Đà Nẵng, là từ chiến lược xét nghiệm gộp nhóm đã nhanh chóng sàng lọc được các khu vực có ca mắc mới. Thành phố tiến tới xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình trên toàn địa bàn. Và trên cơ sở 1/3 dân số (trong số hơn 1,134 triệu dân, theo tổng điều tra dân số năm 2019) được xét nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá lại nguy cơ để xây dựng kế hoạch trong thời gian tới.

- Với khả năng "trong cộng đồng còn người nhiễm nCoV" như ông vừa nêu, thành phố đưa ra giả thiết nào về nguồn lây để truy vết triệt để?

- Về nguồn lây, ngành y tế thành phố đã cố gắng tìm nhưng đến thời điểm này chưa có kết quả. Trên thực tế, không riêng gì Đà Nẵng mà rất nhiều địa phương trên cả nước lây lan dịch bệnh đợt này vẫn chưa tìm được nguồn lây, dù đã có kết quả giải trình tự gene một số mẫu bệnh nhân ban đầu.

Tôi đơn cử, theo kết quả giải trình tự gene, chủng virus ở Đà Nẵng là biến chủng Anh. Trong khi đó, hai vợ chồng ở Hà Nội, từng được cho là lây nhiễm từ Đà Nẵng, đã xác định là chủng virus Ấn Độ. Hơn 800 người ở Đà Nẵng, Quảng Nam có tiếp xúc với hai bệnh nhân 3634 và 3633 đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Như vậy đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định hai ca bệnh này không liên quan đến Đà Nẵng.

Thành phố đang xét nghiệm kháng thể từ những người nhập cảnh và những người liên quan đến bốn ổ dịch là khách sạn Phú An, vũ trường New Phương Đông, Thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA và Công ty Trường Minh nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính, để xác định trước đây họ đã từng mắc Covid-19 và tự lành hay không.

Việc xét nghiệm kháng thể có ý nghĩa quan trọng để truy tìm nguồn lây. Ở Đà Nẵng, có trường hợp người nhập cảnh từ nước ngoài về, cách ly tại khách sạn hết 14 ngày, nhưng khi xét nghiệm để xác nhận hết thời gian cách ly lại phát hiện dương tính. Rõ ràng thời gian cách ly 14 ngày không đảm bảo đủ độ an toàn và Bộ Y tế đã tăng lên 21 ngày. Theo tôi việc điểu chỉnh này là kịp thời và chính xác.

Chúng ta chưa khẳng định nhưng cũng không loại trừ nguồn lây từ người nước ngoài nhập cảnh. Có thể là từ việc cho họ hoàn thành cách ly trong 14 ngày, nhưng những người đó có thể mang mầm bệnh, hết thời gian cách ly đã lây cho người khác. Do đó, nếu không xét nghiệm họ để tìm kháng thể thì sẽ không biết họ từng mắc Covid-19 hay không.

- Trong khi chưa xác định rõ nguồn lây, thành phố xác định sẽ tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch như thế nào?

- Từ sau đợt dịch tháng 7/2020, chúng tôi đã xây dựng một kịch bản chống dịch nghiêm ngặt, với quy trình vận hành tốt hơn. Tuy nhiên căn cứ vào những diễn biến thực tế trong đợt dịch này và ở từng mức độ, chính quyền đã có những biện pháp nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Về bản chất, thành phố không thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Nhưng trong các hoạt động thì đã gần như thực hiện, trong đó có những biện pháp rất quyết liệt nhưng cố gắng làm sao hạn chế gây xáo trộn tâm lý cho xã hội và hiệu quả chống dịch được đảm bảo.

Thời gian đầu, việc truy vết làm chưa tốt. Nhưng bằng việc tuyên truyền, vận động, đặc biệt là kiên trì khai thác, điều tra không dừng lại ở việc khai báo ban đầu mà có thể khi người bệnh vào khu cách ly điều trị, các bác sĩ tiếp tục trao đổi, tìm hiểu để thông tin lại cho lực lượng truy vết bên ngoài, đến nay thông tin dịch tễ cơ bản đã làm tốt.

Lực lượng truy vết cũng đã có được một quy trình chia sẻ thông tin, không chỉ giữa nhân viên y tế các quận, huyện mà còn phối hợp nhịp nhàng với công an, lực lượng tại các khu cách ly, ứng dụng Bluezone và đã tìm các mối liên hệ giữa F0 với F1 và F2. Người dân cũng đã nâng cao ý thức hơn.

Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Công an đã khởi tố một vụ án và tiếp tục điều tra một số trường hợp người mắc Covid-19 khai báo không trung thực.

- Vừa qua Thủ tướng phê bình Đà Nẵng vì để xảy ra tình trạng tập trung đông người dịp nghỉ lễ. Thành phố rút ra bài học gì?

- Thời điểm dịp lễ 30/4 1/5, Đà Nẵng chưa có dịch nhưng trước đó thành phố vẫn tuyên truyền và thực hiện thông điệp 5K. Tuy nhiên việc nhiều nhiều người dân, du khách đi tắm biển giữa thời tiết nóng nực đã không đeo khẩu trang. Thời điểm này, thành phố bước vào mùa du lịch nên cũng khó tránh khỏi.

Lãnh đạo thành phố nhận thấy nhắc nhở của Chính phủ là đúng và đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chiều 3/5, Đà Nẵng phát hiện ca dương tính nCoV đầu tiên và ngay hôm sau đã cấm tắm biển.

Những chủ trương, biện pháp chống dịch của Đà Nẵng thời gian qua đã được Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao. Trong đó có việc khen thưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng về việc thực hiện thành công, hiệu quả phương pháp lấy mẫu gộp nhóm giúp xét nghiệm được hơn 22.000 mẫu/ngày, ngày 20/5 đỉnh điểm là 36.670 mẫu, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác.

Thời điểm này, thành phố ưu tiên cho chống dịch, nhưng các hoạt động kinh tế nào có thể đảm bảo được thì chúng tôi vẫn cố gắng duy trì để đáp ứng mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Các khu công nghiệp, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động bình thường, chỉ dừng trong lĩnh vực ăn uống, vận chuyển..

Qua những đợt dịch, UBND thành phố đang tính toán cơ cấu lại một số ngành phát triển. Trong đó, vì những ưu đãi của thiên nhiên nên vẫn xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng không phải là duy nhất. Đi cùng với đó là phát triển về công nghệ thông tin và công nghiệp. Hiện nay, thành phố đã cụ thể hoá bằng việc xin chủ trương đầu từ các khu công nghiệp, quy hoạch và xây dựng một số cụm công nghiệp.

Nguyễn Đông

Nguyễn Đông

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   Hà Nội   Lãnh đạo   Sơn Trà   chiến lược   căng thẳng   du lịch   hành vi   kinh tế mũi nhọn   quy hoạch   sản xuất   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...