11/07/2021 17:40  
- Thời gian gần đây, mặc dù lực lượng chức năng liên tục phát hiện thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường, tuy nhiên, việc ngăn chặn tình trạng này lại không hề dễ dàng. Nguyên nhân là do tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, giám sát.
Nguy cơ thực phẩm bẩn
Ngày 7/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 19 (Cục QLTT TP Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma tuý (Công an huyện Thạch Thất) đột xuất kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm Minh Quý tại thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan (huyện Thạch Thất) đã phát hiện hơn 3 tấn thực phẩm gồm các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh không rõ nguồn gốc. Trước đó Đội QLTT số 5 qua kiểm tra xe ô tô 51D-493.62 đã phát hiện 10 tấn nội tạng động vật đựng trong các thùng xốp dán nhãn mác nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Bầy tỏ nỗi lo ngại về thực phẩm bẩn trên thị trường, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ, nếu những thực phẩm “bẩn” này không được lực lượng chức năng phát hiện, rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ và người tiêu dùng sẽ lãnh đủ hậu quả. Bên cạnh lo lắng chất lượng thực phẩm tại hệ thống chợ truyền thống, người tiêu dùng còn băn khoăn về chất lượng thực phẩm khi mua online.
Chị Lê Kim Liên ở 85 Đặng Văn Ngữ chia sẻ, hiện trên các “cửa hàng” thực phẩm online luôn quảng cáo là thực phẩm sạch, thực phẩm đảm bảo an toàn hay “quà quê”, “rau sạch vườn nhà”…thế nhưng thực tế người tiêu dùng cũng không thể thẩm định được các sản phẩm này có thực sự sạch hay không. Thậm chí, thời gian qua, không ít sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn được bày bán online, gây ngộ độc cho nhiều người. “Vụ ngộ độc sau khi sử dụng pate Minh Chay  của Công ty Hai thành viên Lối sống mới là ví dụ điển hình việc mua thực phẩm online”- chị Liên dẫn chứng.
Chồng chéo trong quản lý
Thực tế cho thấy để qua mắt lực lượng chức năng các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn đã  tổ chức khá nhiều thủ đoạn tinh vi. Cục Trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin, một trong những thủ đoạn khá phổ biến được các đối tượng sử dụng là bọc kín các kiện hàng chứa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm ôi thiu để lẫn với nhiều loại hàng hóa khác khi vận chuyển hoặc tàng trữ tại kho đông lạnh… Không chỉ có vậy nhằm trốn tránh lực lượng chức năng nhiều đối tượng đã “xé lẻ”, chia nhỏ hàng hóa, tổ chức vận chuyển qua các tuyến đường nhỏ, đường nhánh. Cùng với đường bộ, đường sắt, đường thủy và cả đường hàng không cũng đang bị đối tượng buôn bán thực phẩm bẩn lợi dụng vận chuyển.
Khi nói về những khó khăn trong quá trình ngăn chặn thực phẩm bẩn, các chuyên gia kinh tế, pháp luật có chung ý kiến, tại sao đã có Luật ATVSTP năm 2020 và công tác kiểm tra, kiểm soát luôn được tăng cường, thế nhưng thực phẩm bẩn vẫn cứ tồn tại?. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho biết, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Luật ATVSTP năm 2020. Thế nhưng Luật cũng quy định có tới 3 Bộ gồm Bộ NN&PTNT, Công thương và Y tế cùng tham gia quản lý dẫn đến việc thiếu phân định rõ trách nhiệm của từng ngành nên dễ rơi vào tình trạng chồng lấn hoặc bỏ sót trách nhiệm trong quá trình kiểm tra kiểm soát. 
”Đơn cử như quản lý chất lượng bún, hiện cả 3 bộ cùng chịu trách nhiệm. Bột gạo, nguyên liệu thuộc Bộ NN&PTNT, sản phẩm tinh bột thuộc Bộ Công thương, sản phẩm bún bán trên thị trường nếu chứa chất tinopal gây hậu quả người tiêu dùng thì lại thuộc trách nhiệm Bộ Y tế”- ông Hùng dẫn chứng.
Đồng tình với ý kiến này Phó Chủ tịch Hội chống Hàng giả&Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục cho rằng, mặc dù hiện nay, mức xử phạt vi phạm về ATTP đã cao hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tế, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo cũng như thi hành pháp luật. Phản ánh về những khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát ATTP, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong nêu rõ, việc 3 Bộ cùng quản lý khiến quá trình xử lý thực phẩm bẩn hoặc hậu kiểm DN sản xuất mất rất nhiều thời gian.
Mặt khác, hiện nay thông tin công khai về thực phẩm vi phạm chất lượng ngoại website của Cục ATTP thì rất ít cơ quan khác có thông tin, dù có thêm 2 Bộ cùng tham gia quản lý. Điều này dẫn đến có những trường hợp sai phạm về chất lượng thực phẩm, người dân muốn nắm rõ cũng không biết tìm đọc ở đâu và thường chỉ biết thông tin khi có người sử dụng thực phẩm đã ngộ độc và phải nhập viện do báo chí đăng tải.
Ý kiến của cơ quan quản lý và chuyên gia cho thấy để có thể ngăn chặn thực phẩm bẩn đòi hỏi lấp lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm, cần một “nhạc trưởng” điều phối hoạt động, chịu trách nhiệm chính.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Công an   Hà Nội   Lối sống   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   hành vi   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...