15/11/2021 11:10  
Bao đời nay, những đứa trẻ ở thôn Thanh Cao, xã Thọ Thanh, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) muốn có được con chữ phải vượt qua sông Chu bằng bè mảng với những hiểm nguy rình rập.

Gian nan hành trình tìm chữ

Cách trung tâm xã 5 km thế nhưng do ngăn cách bởi con sông Chu nên người dân thôn Thanh Cao, xã Thọ Thanh, Thường Xuân muốn ra bên ngoài phải đi bằng bè mảng. Những đứa trẻ nơi đây đến trường tìm con chữ cũng không có cách nào khác là di chuyển trên những chuyến bè đầy hiểm nguy.

Theo ông Lục Văn Biên, Trưởng thôn Thanh Cao, từ khi có làng là người dân đã phải qua sông bằng bè rồi.

Cũng theo ông Biên, dù được quan tâm của Nhà nước, được hỗ trợ từ các Chương trình 135, Nghị quyết 30a nhưng mọi mặt đời sống của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trưởng thôn Thanh Cao cũng cho biết, cả thôn có 68 hộ dân với 263 nhân khẩu. Trong đó, có 47 học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 phải qua sông mỗi ngày 2 lần. Nhiều khi các cháu phải nghỉ học do nước sông dâng cao, đặc biệt là vào mùa mưa bão hoặc khi thủy điện xả lũ.

Có mặt tại bến đò này, trong cái lạnh căm căm, hàng chục đứa trẻ mới 6h sáng đã ngồi chờ bè. Chiếc bè dài khoảng 10 m, rộng 2 m, mỗi chuyến bè sang sông chỉ chở 10 cháu học sinh cùng những chiếc xe đạp.

Với một sợi dây thừng dài gần trăm mét được cố định từ hai bên bờ, người lái bè cứ dùng 2 tay bám vào sợi dây rồi luân phiên đổi tay cho chiếc bè lướt ngang dòng sông.

Không kịp nghỉ ngơi, người lái vội quay bè trở lại khi nhìn thấy phía bờ bên kia là tốp học sinh tiếp theo đang chờ đợi để qua sông. Cứ lần lượt như vậy, trong khoảng chưa đầy 30 phút, hơn 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 qua dòng nước xiết đến trường.

"Khi cháu mới vào lớp 1, được bố mẹ theo chân lên đò rồi đưa đến trường. Thế nhưng từ khi lên lớp 3, cháu cũng như các bạn không còn có người lớn theo cùng mà tự đạp xe đến đây rồi lên đò", cháu Nguyễn Văn Tài (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thọ Thanh) chia sẻ.

Trưởng thôn Thanh Cao Lục Văn Biên tự hào rằng dù rủi ro, hiểm nguy rình rập là vậy nhưng những đứa trẻ ở Thanh Cao cứ đến tuổi là đến trường, không có trường hợp nào bỏ học.

Mong sớm có cây cầu

Hơn 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Xuân (62 tuổi) đã gắn bó ở bến sông này. Bà có nhiệm vụ chở người từ bờ bên này sang bờ bên kia. Bà Xuân không nhớ mình đã chở bao nhiêu thế hệ học trò qua con sông này, thế nhưng những lần suýt bị hà bá nuốt chửng bà không bao giờ quên. Bà bảo, mỗi chuyến đò sang được bờ bên kia là mỗi lần thở phào.

 "Vào năm 2019, nước sông Chu lên cao, chảy xiết, thế nhưng người dân vẫn năn nỉ tôi cho lên bè. Thế rồi, nước chảy xiết khiến bè chòng chành làm 7 chiếc xe máy bị rơi xuống sông. Rất may, tính mạng của những người trên bè được an toàn", bà Xuân nhớ lại.

"Chắc cũng hơn một thế kỷ người dân ở đây sống biệt lập với thế giới bên ngoài, muốn ra trung tâm xã đều phải qua sông bằng bè. Chúng tôi sợ nhất là lúc ốm đau, sinh đẻ phải đi cấp cứu, nếu gặp phải hôm nước dâng cao thì khó khăn vô cùng", trưởng thôn Thanh Cao Lục Văn Biên lo ngại.

Bà Vũ Thị Thu Phương, Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh cho biết: "Mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây là sớm có cây cầu bắc qua sông để tính mạng của họ cũng như những đứa trẻ mỗi lần đến trường không phải đánh cược qua những chuyến bè mảng này nữa.

Trong nhiều năm qua, để đảm bảo an toàn, xã cũng đã trang bị thêm áo phao cho các thuyền bè, cùng với đó là lắp thêm camera để giám sát việc chở người qua sông".

Cũng theo bà Phương, tháng 9/2020, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tổ Rồng. Dự kiến năm 2023 cây cầu sẽ được hoàn thành. Khi đó, người dân thôn Thanh Cao sẽ có thể đi qua cầu sang thẳng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chỉ mất khoảng 10-20 phút.

Được biết, dự án cầu Tổ Rồng được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt với số vốn 92 tỷ đồng. Công trình sẽ được thực hiện trong thời gian 2019-2023. Tuy nhiên, theo ghi nhận đến thời điểm này, dự án vẫn chưa thi công.

Bình Minh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Tiểu học  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...