29/10/2021 21:25  
Thu ngân sách đến cuối năm sẽ tăng khoảng 1,7% cùng với tiết kiệm chi... sẽ có nguồn lực để phát triển kinh tế cũng như chống dịch.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết như trên khi thảo luận tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025 tại Quốc hội, chiều 29/10.

Ông Phớc nói, năm 2021 "vô cùng vất vả", chưa năm nào khó khăn như thế. Dịch bệnh hoành hành khốc liệt trên diện rộng và trong thời gian dài. Tuy vậy, đến nay chính sách tài khóa hoàn thành kế hoạch. Dự kiến thu ngân sách năm nay tăng khoảng 1,7%; chi ngân sách không vượt dự toán, tiết kiệm chi và có nguồn lực để phát triển kinh tế cũng như chống dịch.

Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính cho biết, vừa phải bảo đảm tài chính nhà nước nhưng cũng đảm bảo tài chính doanh nghiệp và dân cư phát triển. Do đó, phải tạo các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cầu nền kinh tế tăng lên, từ đó bước sang giai đoạn mới để phục hồi tăng trưởng.

Ông cho biết các giải pháp đã được bàn kỹ. Bộ đề nghị Chính phủ thiết kế và quản lý từng gói kích thích kinh tế bảo đảm hiệu quả. Khi nền kinh tế đã phục hồi và phát triển sẽ tăng thu ngân sách, đồng thời với giảm chi ngân sách sẽ kéo giảm được bội chi xuống.

Đánh giá việc chuyển đổi số thời gian tới là đúng, nhưng Bộ trưởng Tài chính cho rằng đó là kế hoạch dài hạn. Còn trong ngắn hạn ngay lúc này, doanh nghiệp cần là thị trường, nguồn nhân lực và vốn; cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách, thể chế. Còn chuyển đổi số là vấn đề cốt lõi cho tương lai, cho sự phát triển bền vững.

"Giờ đây, chúng ta tập trung vào đột phá về thể chế và đầu tư hạ tầng, giải ngân cũng như thúc đẩy tăng trưởng một cách nhanh nhất", ông nói.

Riêng về vốn, Bộ trưởng Tài chính cho biết đang tham mưu Thủ tướng để có một số gói kích thích, như gói hỗ trợ lãi suất. Vừa rồi Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xây dựng gói hỗ trợ lãi suất. Gói này lấy từ nguồn ngân sách trung ương, khoảng 20.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, nhưng có đủ điều kiện vay để phát triển. Ví dụ trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ (vận tải, ăn uống), các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng yếu, trọng điểm quốc gia...

"Khi đó sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, nguồn vốn bỏ vào đây sẽ tạo cầu đầu tư tốt, đồng thời tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp", ông Phớc nói.

Một tham mưu khác là đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước. Gói này được thiết kế để huy động tiền trong dân, đơn cử như USD nhàn rỗi trong dân. Lãi suất gửi USD ở ngân hàng thương mại hiện là 0%, và gói này vay tiền của dân mà không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Nếu cần thiết thì phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn để tập trung vào giải quyết những vấn đề trước mắt và thúc đẩy quá trình tăng trưởng, sau đó là quay vòng vốn để bảo đảm kinh tế phát triển.

Lãnh đạo Bộ Tài chính nói, năm 2022- 2023 có thể tăng bội chi nhưng đến 2024 khi kinh tế phát triển, ngân sách tăng lên rồi sẽ giảm bội chi và bội chi bình quân của cả nhiệm kỳ vẫn đạt chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra (3,7% GDP).

Bộ trưởng Tài chính cũng nói thêm, thời gian qua, một loạt chính sách đã được ban hành rất kịp thời như Nghị định 52 về giãn, hoãn thuế, giúp doanh nghiệp giảm 115.000 tỷ đồng; miễn 30 sắc thuế, miễn phạt chậm nộp khoảng 21.300 tỷ đồng, giảm thuế xăng dầu đối với máy bay và các chính sách khác...

Chi ngân sách theo Bộ trưởng Tài chính cũng được thực hiện rất tốt khi giảm 10% chi thường xuyên, giảm 50% chi tiếp khách, công tác phí, hội nghị, đi công tác nước ngoài; giảm 15% đối với các đơn vị có tính đặc thù.

Phát hành trái phiếu Chính phủ để cơ cấu lại nợ được ông Phớc cho biết "rất hiệu quả". Trước đây vay nước ngoài nhiều, đến nay "vay rất ít", mỗi năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước 1 năm khoảng 350.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 2,26% mỗi năm, thời gian bình quân là 12 năm.

"Chúng tôi tích cực thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm một cách tốt nhất", ông Phớc nói và nhấn mạnh thị trường chứng khoán "hiện rất tốt".

Hoàng Thùy - Viết Tuân

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Lãi suất   Lãnh đạo   Nghị định   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Tài chính   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...