16/07/2022 12:15  
Không ai mong chờ thất bại. Tuy nhiên, thất bại có thể là công cụ tốt để rèn giũa kỹ năng, thấu hiểu thử thách bên ngoài và nhận diện nội lực để đứng lên và tiếp tục phát triển bản thân.

Chúng ta đều thích có điểm trung bình 9.0 khi đi học, có thành tích cao hay bảng đánh giá hiệu quả công việc không có lỗi sai sau 1 năm làm việc. Sự hoàn hảo giúp chúng ta cảm thấy an toàn và thỏa mãn, nó đối lập hoàn toàn với cảm giác khi gặp thất bại.

Thất bại - có thể gây ra những hậu quả về vật chất, tinh thần cho con người, và không phải ai cũng chấp nhận được điều đó. Trong bài viết chia sẻ trên CNBCJenny Wang - nhà tâm lý học và tác giả của quyểnPermission to Come Home: Reclaiming Mental Health as Asian Americans, đã chia sẻ một cách tiếp cận lành mạnh với sự thất bại của bản thân. 

Jenny Wang là nhà sáng lập của cộng đồng @asiansformentalhealth trên nền tảng Instagram, nơi thảo luận về các vấn đề tâm lý của cộng đồng di cư, nhập cư gốc châu Á. 

"Là một người Mỹ gốc Đài Loan, tôi luôn thấy mình chật vật với chủ nghĩa hoàn hảo. Ba mẹ trao cho tôi một bản đồ định hướng chi tiết từng chặng của cuộc đời. Bất cứ sự lạc lối nào, dù nhỏ nhất, cũng là dấu hiệu của thất bại. Và không ai thảo luận về lợi ích của thất bại.

Mọi thứ được đóng khung trong việc tránh thất bại bằng mọi giá, và theo thời gian, tôi thấy tinh thần của mình bị hủy hoại vì căng thẳng. Đến khi trở thành chuyên gia tâm lý, tôi nhìn lại khuôn mẫu nhận thức này của chính mình tương đồng với rất nhiều thân chủ của tôi. Không ai cho rằng thất bại sẽ đưa đến thành công".

Vì sao thất bại lại quan trọng?

Những năm gần đây, các nhà tâm lý học đương đại như Carol Dweck và Angela Duckworth đã mở ra nhiều cuộc thảo luận xoay quanh nhận thức của chúng ta về sự thất bại, đặc biệt ở vai trò lãnh đạo, giảng dạy và sức khỏe tinh thần. 

Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng chúng ta có thể tiếp nhận thất bại với một tư duy khác, cụ thể là tư duy phát triển (growth mindset), thay vì tư duy cố định (fixed mindset).

Tư duy cố định luôn bám giữ niềm tin rằng chúng ta sở hữu những kỹ năng và tài năng riêng và không gì có thể thay đổi điều đó. Bất kể nỗ lực ra sao, chúng ta đều không thể thay đổi tiềm năng của chính mình. Tư duy cố định gắn liền sự thất bại hay chật vật với sự bất lực.

Tư duy phát triển chứa đựng niềm tin rằng chúng ta có vùng tiềm năng vô hạn trong việc học hỏi và cải thiện năng lực bản thân. Tư duy này nhìn nhận bất cứ nỗ lực thay đổi nào, dù nhỏ hay lớn, đều sẽ đưa mỗi người tiến lên phía trước. Thất bại chỉ đơn giản là một điểm dừng, nơi chúng ta nhìn nhận lại lỗi sai và thay đổi cách tiếp cận vấn đề.

Cách thức diễn giải về thất bại quyết định việc bạn có tiếp tục thay đổi trong công việc hay bỏ cuộc. Cách diễn giải này cũng tác động đến những rủi ro và cơ hội mà chúng ta có thể đón nhận trên đường đến thành công. Nếu bạn tin rằng không còn cơ hội hay nguồn lực nào để tạo ra thay đổi, khi đó bạn sẽ không dám chấp nhận rủi ro hay phạm sai lầm.

Cách tái định nghĩa thất bại

Người thành công thường tái định nghĩa thất bại bằng cách đối diện điều làm họ xấu hổ, nhận diện cách họ bị chi phối bởi tư duy cố định gắn liền sự sợ hãi, và bắt đầu cải thiện dần theo hướng tư duy phát triển. Bạn cũng có thể thực hành điều này bằng hướng dẫn sau. Đầu tiên, hãy nghĩ về một tình huống hiện tại mà bạn cho rằng bản thân đã thất bại, và bắt đầu phân tích tình huống ấy theo bốn bước sau:

1. Đối diện sự xấu hổ

Tự hỏi bản thân rằng thất bại này đang tạo ra sự xấu hổ nào bên trong bạn. Có phải sự thất bại này đang một lần nữa khẳng định một niềm tin tiêu cực bất kỳ bạn đang có về chính mình không? Nếu bạn chưa từng bày tỏ trải nghiệm về sự xấu hổ này với bất cứ ai, hãy cân nhắc việc trò chuyện về điều này với người bạn cảm thấy an toàn và tin cậy.

Nếu bạn đã từng chia sẻ câu chuyện này với một người biết lắng nghe thấu cảm, hãy tự nhắc bản thân quan sát xem bạn cảm thấy thế nào khi nói ra những điều đang làm bản thân xấu hổ, và quan sát xem cuộc trò chuyện về sự xấu hổ này đang giải phóng bạn ra khỏi điều gì về chính bạn.

2. Tái định nghĩa thất bại

Tiếp tục, hãy chiêm nghiệm các câu hỏi sau:

Bạn có thể nhìn nhận thất bại hiện tại theo cách nào khác, khi đứng ở góc nhìn của tư duy phát triển?

Những cách nào đang giúp bạn tập trung vào tư duy phát triển trong phân tích trải nghiệm thất bại này?

Liệu tư duy cố định có giúp bạn tiến gần đến mục tiêu của bạn trong chuyện này không?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn tập trung vào những lợi ích của thất bại lần này?

3. Ghi nhận vẻ đẹp của sự nỗ lực

Hãy chia mục tiêu của bạn thành từng bước nhỏ, cụ thể và dễ đạt được. Khi đó, bạn có nhận ra mục tiêu bạn hướng đến đang khơi lên sự tò mò, niềm hứng khởi khám phá bên trong bạn, thay vì nuôi lớn nỗi sợ thất bại không? Nếu có, hãy gọi tên những điều làm bạn hứng khởi.

Và khi bạn đang từng bước hành động để đứng dậy sau thất bại, động lực nào đang thúc đẩy bạn tiến lên? Hãy dành thời gian để đánh giá tình huống hiện tại, sau khi bạn thực hiện dần từng hành động nhỏ, cụ thể và vừa sức. Bạn đang nhận được những phản hồi nào từ đồng đội? Hãy đón nhận những phản hồi này như món quà nâng đỡ, thay vì lời phán xét trực diện vào giá trị và năng lực của bạn.

4. Lặp lại các bước trên

Hãy áp dụng bài tập này bất cứ lúc nào bạn cần nhìn nhận, phân tích thất bại. Càng thực hành, bạn sẽ càng thuần thục trong việc nhìn nhận thất bại một cách lành mạnh. Sau cùng, thất bại có thể là một công cụ tốt giúp bạn rèn giũa kỹ năng, thấu hiểu các thử thách bên ngoài và nhận diện nội lực bạn đang có để đứng lên và tiếp tục phát triển bản thân.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


chuyên gia   căng thẳng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...