24/12/2021 9:10  
Cha bị viêm màng não, mẹ bị tai nạn vỡ lá lách, rồi đến con bị ung thư máu. Bệnh tật quật ngã gia đình người nông dân siêng năng nhưng gặp nhiều vận hạn.

Tai nạn chồng chất

Kể về khổ nạn của gia đình, anh Võ Hoàng Đông (sinh năm 1980) thở dài thậm thượt. Khi lập gia đình, vợ chồng anh cũng cố gắng làm việc, không dám tiêu xài để dành dụm tiền mua 5 công ruộng gầy dựng kinh tế, mong cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Năm 2012, anh Đông phát sốt kéo dài nhiều ngày. Tham công tiếc việc, anh chỉ mua thuốc hạ sốt về uống, cho đến khi ngất ngay trên đồng được người nhà đưa đi cấp cứu mới biết là bị viêm màng não. Anh hôn mê thời gian dài, tưởng chừng như không qua khỏi.

Để cứu chồng, chị Phan Tuyết Trinh (sinh năm 1989) quyết định bán đi mảnh ruộng mà hai vợ chồng dành dụm nhiều năm mới mua được. Nhờ số tiền bán ruộng này, anh Đông đã được cứu sau hơn 3 tháng nằm viện và vận động bình thường trở lại sau gần 1 năm tập vật lý trị liệu.

Nhưng do di chứng ảnh hưởng thần kinh, anh Đông yếu ớt, không làm được việc nặng. Ruộng nhà đã bán nên anh chỉ có thể đi làm những công việc nhẹ nhàng như bán vé số, xịt thuốc thuê… Còn bao nhiêu việc nặng nhọc trong nhà, kinh tế chính lại rơi vào vai chị Tuyết Trinh.

Một tối năm 2017, sau một ngày dài vất vả ở đồng xa, chị Trinh chạy xe máy về nhà khi trời chập choạng tối thì bị một xe máy khác tông thẳng vào xe chị. Cú tông quá mạnh khiến chị Tuyết Trinh bị vỡ lá lách nằm viện hơn tháng trời mới qua khỏi.

Còn người gây ra tại nạn là một phụ hồ nghèo, gom góp được 7 triệu đồng bồi thường cho chị, chưa đủ tiền ăn khi nằm viện chứ nói gì đến tiền thuốc.

Thấy cùng cảnh nghèo khổ như nhau, vợ chồng anh Đông đồng ý bãi nại để họ được đi làm nuôi vợ, nuôi con. Còn tiền chữa trị cho vợ, anh Đông phải đi vay mượn bên ngoài.

Sau tai nạn ấy, vợ chồng anh Đông càng cố gắng làm việc, không dám nghỉ một ngày nào. Nơi nào mướn công, dù có xa anh chị cũng nhận làm, miễn là có việc. Sau 1 năm quần quật, tiền vay chữa bệnh cho chị Trinh trả xong, chưa kịp mừng thì tai nạn mới lại đến.

Tháng 8/2020, chị Trinh phát hiện cổ bé Võ Hoàng Nam (sinh năm 2009, con trai của anh chị) bị sưng lên nên đưa đi khám. Ban đầu bác sĩ chẩn đoán Hoàng Nam bị quai bị nhưng điều trị cả tháng không hết. Lúc này, chị Trinh quyết định nghỉ làm vài ngày để đưa con lên TPHCM thăm khám.

Thấy biểu hiện bên ngoài của bé, các bác sĩ ở bệnh viện Nhi đồng 1 đã nghi ngờ, tiến hành xét nghiệm và làm sinh thiết thì phát hiện Hoàng Nam bị ung thư máu.

Khi nghe bác sĩ báo tin con mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, chị Tuyết Trinh khóc đến ngất lịm đi, vừa thương con, vừa xót xa cho phần số hẩm hiu của gia đình mình, vừa lo lắng không biết có theo nổi hành trình cứu con gian nan sắp tới hay không…

Giờ chỉ mong cầu cứu được con

Theo kết quả xét nghiệm, Hoàng Nam bị bệnh bạch cầu tủy cấp (một bệnh ung thư các tế bào máu và tủy xương). Khi phát hiện bệnh thì tình trạng của bé đã trở nặng, u hạch nổi khắp toàn thân.

Kết quả CT scan cho thấy Hoàng Nam bị nhiều tổn thương dạng chùm hạch ở tuyến dưới hai bên hàm, hai bên mang tai, hai bên vùng cổ, hai bên vùng nách, cạnh khí quản, hai bên rốn phổi, tuyến ức, dọc hai bên cột sống, dọc theo bó mạch chủ bụng, hai bên vùng chậu và bẹn, gan lách to…

Do tiến triển bệnh nặng và nhanh nên bác sĩ điều trị phải dùng liều mạnh với nhiều loại thuốc điều trị đích đắt đỏ nhằm đánh xẹp các khối u đang tấn công khắp cơ thể bé.

Chỉ vào hóa đơn viện phí tháng 10 với hơn 200 triệu đồng, anh Đông chia sẻ: "Nhờ có bảo hiểm y tế mà nhà em chỉ phải đóng hơn 27 triệu đồng. Nếu không có bảo hiểm thì vợ chồng em đã phải buông tay từ lâu rồi".

Nhưng con số 27 triệu đồng này chỉ là chi phí nằm viện, chưa kể chi phí ăn uống, sữa dinh dưỡng, tàu xe, thuê trọ cho mỗi đợt vào thuốc kéo dài từ 15 - 30 ngày cũng hơn 10 triệu đồng mỗi đợt.

Đây cũng chỉ là chi phí cho đợt truyền thuốc thứ 9. Trước đó, anh Đông đã phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn hơn 200 triệu đồng cho con vào 8 toa thuốc.

"Tốn kém nhất là 2 đợt vào thuốc đúng dịp dịch Covid bùng phát, thành phố giãn cách. Để lên bệnh viện vào thuốc, vợ chồng em phải thuê xe cấp cứu. Mỗi đợt đi về tốn hơn 10 triệu tiền xe và tiền test Covid. Ăn uống trong những ngày này cũng tốn kém hơn mà không có cơm từ thiện...", anh Đông chia sẻ.

Khó khăn nhất là đợt vào thuốc tháng 10, dịch kéo dài khiến nhà ai cũng khó, anh Đông chạy khắp xã mà không vay được tiền cho con vào thuốc. Chị Trinh đến nhà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã khóc kể hoàn cảnh túng quẫn và được hỗ trợ vay 40 triệu đồng dành cho hộ nghèo.

Mở cuốn sổ vay vốn ngân hàng mới tinh cho chúng tôi xem, anh Đông tâm sự: "Vừa có tiền, vợ chồng em gọi xe cấp cứu chở con đi ngay. Chồng tiền mới lĩnh, đếm hoài mới xong vậy mà chỉ 20 ngày vào thuốc là hết sạch, về đến nhà là chẳng còn đồng nào".

Điều vợ chồng anh Đông lo lắng là bây giờ biết kiếm tiền đâu ra cho con vào đợt thuốc kế tiếp, khi mà nợ nần chồng chất chưa có khả năng trả, láng giềng cũng không mấy ai dư dả và cũng chẳng còn ai dám cho gia đình anh vay nợ nữa…

Anh Đông thở dài: "Bác sĩ bảo giờ con em sống nhờ thuốc, có thuốc mới kìm được các khối u phát triển. Giờ ngưng thuốc thì không biết lúc nào con phát bệnh mà bỏ vợ chồng em đi. Giờ vợ chồng em chỉ còn cách cầu xin mọi người giang tay cứu lấy con trai của em!".

Tùng Nguyên

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   HCM   TPHCM   Tai nạn   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...