10/11/2021 8:10  
Cả bản vùng biên chỉ có một cây cầu gỗ duy nhất để đi lại nhưng qua thời gian đã xuống cấp nghiệm trọng. Tính mạng của hàng trăm người dân và học sinh trở nên mong manh mỗi khi qua cầu...

Giữa bộn bề lo lắng về dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) còn có thêm nỗi lo khi hàng trăm người dân, học sinh nơi bản Nậm Tột, xã Tri Lễ đang hàng ngày "đánh cược" tính mạng qua chiếc cầu mục nát. Ngặt nỗi, điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn nên lãnh đạo huyện mong muốn được bạn đọc Dân trí cùng chung tay để bà con nơi đây có một cây cầu an toàn để đi lại.

Khi nghe tin đoàn khảo sát để kêu gọi xây dựng cầu, Trưởng bản Nậm Tột Lý Bá Tủa rất phấn khởi ra tận trung tâm xã để dẫn đường. "Đường còn xa và vất vả lắm nhưng mong cán bộ về với dân bản, giúp bà con chúng tôi với", Trưởng bản Lý Bá Tủa vừa khẩn thiết, vừa chỉ tay hướng về lối mòn nhỏ phía trước - đó là con đường dẫn vào bản Nậm Tột.

Sau khi đã sẵn sàng, đoàn chúng tôi mỗi người ngồi lên những con "ngựa sắt" để hành trình về với bản Nậm Tột. Dù không ít lần lên với các bản làng vùng cao nhưng con đường đến với Nậm Tột quả thực là một thử thách không hề đơn giản với tôi cũng như những thành viên trong đoàn.

Có những đoạn chúng tôi như phải nín thở để vượt qua. Vết bánh xe hằn sâu sau những ngày mưa như những con lươn chạy dọc trên đường. Có những đoạn, tiếng xe máy phải gầm rú vượt dốc; nhiều đoạn một bên là vách núi, một bên là vực sâu, tay lái phải luôn ghì chặt.

Sau gần 3 giờ đồng hồ "quăng quật", chúng tôi cũng đã đặt chân đến đầu bản Nậm Tột. Đang những ngày đầu đông, thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh nhưng ai nấy cũng toát mồ hôi, mệt lả sau một hành trình không ít gian nan và hiểm nguy.

Từ xa dưới chân núi là những nóc nhà lợp bằng lá rừng hiện ra. Nhưng những vất vả, hiểm nguy đã qua chưa phải là tất cả, bởi án ngữ ngay đầu bản Nậm Tột là con suối sâu. 

Trưởng bản Lý Bá Tủa kể, những năm trước đây, bà con dân bản phải lội qua con suối này rất vất vả và nguy hiểm. Mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về sẵn sàng cuốn phăng tất cả.

Để việc đi lại được thuận lợi, an toàn hơn, bà con bàn nhau lên rừng lấy gỗ về dựng tạm chiếc cầu để đi lại. Nhưng cây cầu hoàn toàn bằng gỗ dài hơn 20 m, rộng 1,3 m qua thời gian mưa nắng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhìn những cây cột làm trụ cầu chông chênh, xiêu vẹo, mặt cầu không có lan can bảo vệ khiến ai đi qua cũng nơm nớp lo sợ. Mặt cầu được làm từ những mảnh ván mỏng, gồ ghề và đã mục nát, nhiều chỗ xuất hiện lỗ hổng như những "cạm bẫy" rất nguy hiểm. Mỗi lần có người hay phương tiện lưu thông, chiếc cầu lại rung lắc, đu đưa như muốn đổ sập xuống suối...

"Cuộc sống người dân chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào nương rẫy. Cả bản chỉ có duy nhất một chiếc cầu treo tạm bợ này để giao thương với bên ngoài và đi làm nương, làm rẫy nhưng hiện nay đã mục nát. Mỗi lần đi qua cầu ai cũng đều run sợ", ông Tủa bộc bạch.

Trước đây, khi chưa có cầu, người dân chỉ còn cách lội qua suối, nhưng vào mùa mưa cả bản như bị cô lập. Là một trong những người cao tuổi nhất bản, cụ Thò Giống Xìa (85 tuổi), mong muốn cuối đời của cụ là bản mình sớm có một chiếc cầu kiên cố để đi lại.

"Ngày trước khi chưa có cầu mỗi lần đi làm nương, làm rẫy đều phải lội suối, lo nhất là vào mùa mưa. Mấy năm nay, có cầu rồi đi lại cũng lo, nhất là cầu đã mục nát rồi, mỗi khi đi lại sợ lắm. Cuộc sống của dân bản chúng tôi đã vất vả rồi, chỉ mong có một chiếc cầu kiên cố để không phải lo việc đi lại nữa", cụ Xìa chia sẻ.

Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, nhiều năm qua khi tiếp xúc cử tri, người dân đã có ý kiến mong muốn chính quyền đầu tư xây dựng cho bản một chiếc cầu để tiện việc đi lại, thế nhưng vì điều kiện quá khó khăn nên phía xã chưa thể thực hiện được.

"Là bản nằm xa trung tâm nhất, đường đi lại rất khó khăn nhất là vào mưa lũ. Hơn bao giờ hết, chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm chung tay để xây dựng cho bản Nậm Tột một chiếc cầu để đi lại thuận tiện hơn", ông Cường chia sẻ.

Theo ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong, địa phương cũng thấu hiểu được sự bức thiết cần phải xây dựng một chiếc cầu tại đây để đảm bảo an toàn cho học sinh và người dân. Tuy nhiên, điều kiện của địa phương còn khó khăn nên chưa bố trí được vốn để triển khai.

"Nếu xây dựng một chiếc cầu kiên cố bằng xi măng cốt thép thì cần chi phí rất lớn. Vì vậy, phía địa phương mong muốn trước mắt là làm một chiếc cầu treo bằng sắt có chiều dài trên 20 m, chiều rộng 1,3 m, kinh phí khoảng  600 - 700 triệu đồng. Qua Báo Dân trí, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ cho bà con Nậm Tột nói chung và các em học sinh tại đây có được chiếc cầu để an tâm đi lại", ông Bùi Văn Hiền mong muốn. 

Chiều xuống, trên đỉnh núi những đám mây đang vờn báo hiệu cơn mưa rừng sắp đến. Phía xa xa, những làn khói hất lên từ bản làng người Mông nơi vùng biên. Chia tay Trưởng bản Lý Bá Tủa và bà con, chúng tôi ra về mang theo nỗi lo lắng cũng như bao kỳ vọng về một cây cầu kiên cố trong tương lai không xa của bà con Nậm Tột... 

Một số hình ảnh về chiếc cầu mục nát tại bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong do phóng viên Dân trí ghi lại:

Bài, ảnh: Nguyễn Tú - Nguyễn Duy

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Cuộc sống   doanh nghiệp   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...