12/05/2021 20:03  
Giống như Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á khác, nước này tránh được thiệt hại từ làn sóng lây lan Covid-19 đầu tiên. Nhưng ở làn sóng lây lan thứ hai, hậu quả rất tàn khốc.

Với giọng nghẹn ngào, Parasuram Maurya, một người dân Nepal, diễn tả sự tuyệt vọng khi phải chạy hết bệnh viện này tới bệnh viện khác để cứu bố anh, ông Sundar Maurya - một bệnh nhân Covid-19. 

Ông Sundar, 55 tuổi, một nông dân đến từ thị trấn Narainapur, huyện Banke, Nepal, có biểu hiện khó thở và nhận kết quả dương tính với Covid-19 hôm 3/5. Vài ngày sau, tình trạng của ông Sundar tồi tệ hơn. 

Parasuram đã đưa bố mình tới 3 cơ sở y tế ở huyện Banke nhưng đều bị từ chối tiếp nhận vì thiếu giường bệnh và oxy. Tới khi tìm được giường bệnh, mọi thứ đã quá muộn. 

"Chúng tôi rất đau khổ vì sự ra đi của bố. Ông ấy là trụ cột gia đình. Giờ đây tôi phải chăm sóc gia đình và 3 đứa em trai. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều", Parasuram chia sẻ với BBC. 

Hàng nghìn người như Parasuram đã mất đi người thân yêu ở Nepal, quốc gia láng giềng với Ấn Độ đang quay cuồng với làn sóng Covid-19 lần 2.

"Nếu chúng tôi không kiểm soát mọi thứ ngay lúc này, tình cảnh sẽ rất thảm khốc", bác sĩ Samir Kumar Adhikari, giám đốc Trung tâm cấp cứu y tế Nepal, nói. 

"Tại Kathmandu, hầu như tất cả giường bệnh và máy thở tại các đơn vị chăm sóc tích cực đều đã kín chỗ. Tại các bệnh viện vẫn còn giường bệnh, họ cũng không thể tiếp nhận bệnh nhân vì thiếu oxy y tế. Chúng tôi cũng đã hết vắc-xin Covid-19", bác sĩ Samir nói thêm. 

Nepal, một quốc gia thuộc dãy Himalaya với khoảng 30 triệu dân, là một trong các nước kém phát triển nhất thế giới. Giáp với Trung Quốc ở phía bắc và Ấn Độ ở phía nam, Nepal phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Ấn Độ, đặc biệt là trang thiết bị y tế và oxy y tế. Với việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu oxy y tế do nhu cầu trong nước tăng đột biến, Nepal đang phải chật vật tìm nguồn cung thay thế. 

Giống như Ấn Độ và một số nước châu Á khác, Nepal tránh được thiệt hại từ làn sóng lây lan Covid-19 đầu tiên. Nhưng ở làn sóng lây lan lần thứ hai, hậu quả rất tàn khốc. Số ca lây nhiễm hàng ngày dao động ở mức 150 ca vào đầu tháng 4. Một tháng sau, con số này tăng lên hơn 9.000 ca/ngày. Tổng số hơn 4.000 người đã tử vong vì dịch Covid-19 ở Nepal. 

Quan chức y tế Nepal cho biết, tỷ lệ dương tính hàng ngày ở nước này hiện tại là 50%, đồng nghĩa, cứ 2 người thì có một người dương tính với Covid-19. Nepal có khoảng 80.000 người đang cách ly tại nhà và các quan chức cảnh báo số ca tử vong vì dịch bệnh còn tăng thêm trong vài tuần tới. 

"Chúng tôi xếp Nepal ở vị trí thứ 9 trong số 10 quốc gia hàng đầu về tỷ lệ tăng số ca nhiễm Covid-19 trong ngày. Trong số 10 quốc gia này, Nepal có dân số nhỏ nhất nhưng lại có tỷ lệ ca dương tính cao nhất", Sara Beysolow Nyanti, nhân viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Nepal, chia sẻ với BBC. 

Giống như quốc gia láng giềng Ấn Độ, cuộc sống bình thường trở lại với Nepal cách đây vài tháng khi số ca nhiễm trong ngày ở mức dưới 100 ca. Nepal khẩn trương đưa cuộc sống trở lại bình thường để phục hồi sau tác động kinh tế của việc phong tỏa. Khẩu trang, vệ sinh và giãn cách xã hội được nới lỏng. 

Cùng lúc đó, Nepal gặp phải cuộc khủng hoảng chính trị. Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli, đối mặt với sự mâu thuẫn trong đảng, đã giải tán quốc hội vào tháng 12/2020 và kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh chóng. Nhưng Tòa án Tối cao Nepal đã khôi phục quốc hội vào tháng 2 năm nay. 

Ông Oli còn phải đối mặt với chỉ trích từ phe đối lập về việc đối phó với đại dịch. Các cuộc biểu tình, cả phản đối và ủng hộ Thủ tướng Nepal, đã diễn ra ở thủ đô Kathmandu và các khu vực khác. 

Một số chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị góp phần khiến đại dịch trở nên tồi tệ hơn. 

Nepalgunj, thành phố của Nepal giáp với biên giới Ấn Độ, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Nepal. Mỗi ngày, hàng trăm lao động từ Ấn Độ trở về qua biên giới đất liền khiến nhiều người lo ngại dịch bệnh có thể lây lan từ đó. Lo sợ bị cách ly, nhiều người nhập cảnh trái phép và về thẳng nơi ở mà không khai báo. 

Tuy nhiên, không nên đổ lỗi cho những người lao động nhập cư về làn sóng lây lan thứ 2 ở Nepal, theo bác sĩ Pandey. 

"Hai tháng trước, các cuộc mít tinh chính trị lớn được tổ chức trên khắp cả nước. Người dân cũng tổ chức hôn lễ và lễ hội tôn giáo. Tất cả đều góp phần gây ra làn sóng lây lan thứ 2 này", bác sĩ Pandey nói thêm. 

Tình hình tại Nepal càng trở nên trầm trọng hơn do nước này phải đình chỉ chương trình tiêm chủng vì hết vắc-xin. Ban đầu, Nepal nhận được số vắc xin tài trợ từ Ấn Độ (1 triệu liều vắc-xin AstraZeneca), Trung Quốc và chương trình phân phối vắc-xin Covax của Tổ chức Y tế thế giới. 

Các quan chức Nepal cho biết, có 2,1 triệu người đã được tiêm phòng, trong đó, 400.000 người đã được tiêm cả hai liều. 

Tuy nhiên, với việc Ấn Độ đột ngột ngừng xuất khẩu vắc-xin, Nepal đang rơi vào tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng và phải tìm các nguồn thay thế khác của Trung Quốc và Nga.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Covid   Covid-19   Khẩu trang   Trung Quốc   chuyên gia   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...