07/09/2021 11:10  
Một nữ TikToker nêu quan điểm phản đối việc phụ nữ phải rửa bát phục vụ đàn ông ngồi chơi uống rượu, đã khơi mào tranh luận về bình đẳng giới và nữ quyền trên mạng xã hội.

Bản chất của nữ quyền là gì?

Vừa qua, quan điểm của một cô gái chia sẻ trên TikTok về việc con gái hay phụ nữ phải làm việc nhà, rửa bát còn đàn ông ngồi chơi, được phục vụ đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

Theo đó, TikToker này phản đối việc những người phụ nữ lớn tuổi yêu cầu cô nấu cơm, rửa bát để phục vụ đàn ông trong nhà "ngồi chơi xơi nước". Lý do được cô gái đưa ra rằng, họ có đủ hai tay và hoàn toàn có thể tự thực hiện.

Tuy vậy, khi nhận được phản ứng trái chiều của cư dân mạng, cô gái này đã làm clip đính chính. Theo đó, cô chia sẻ bản thân đã phải nghe quá nhiều ý kiến con gái khi cưới chồng phải biết làm việc này việc kia, phải phục vụ chồng… Điều này khiến cô không đồng tình. Cô hy vọng mọi người sớm bỏ quan điểm chồng ngồi chơi, vợ phục vụ, để cùng nhau đỡ đần chứ không phải đang tỵ nạnh chuyện rửa bát hay cư xử không đúng mực với người lớn tuổi.

Mặc dù đã đính chính nhưng clip của TikToker này hiện vẫn được lan truyền, trong số đó có không ít những quan điểm thể hiện sự lệch lạc, hiểu sai bản chất của nữ quyền trong giới trẻ ngày nay. Những ý kiến này cho rằng phụ nữ ngày nay cũng giỏi giang và gánh vác được những vai trò mà đàn ông trước nay vẫn làm, qua đó thể hiện ý kiến phụ nữ không có lí do để phải ở trong căn bếp, thậm chí hạ thấp vai trò của đàn ông.

Theo tiến sĩ Nguyễn Lê Hoài Anh (Khoa Công tác Xã hội - trường ĐH Sư phạm Hà Nội), một bộ phận giới trẻ ngày nay đang hiểu sai về nữ quyền. Bản chất của nữ quyền là sự công bằng, bình đẳng giữa nam và nữ.

Sự công bằng và bình đẳng chính là sự tiến bộ, văn minh. Cả nam và nữ đều có quyền bình đẳng, cơ hội tiếp cận quyền như nhau ở mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình, cá nhân… Song cần hiểu đúng nội hàm đó không phải là "cào bằng" theo kiểu cơ học theo tỉ lệ: 1-1 mà cần phải nhìn từ rộng từ góc độ giới.

"Với những phụ nữ Việt Nam cho rằng, không làm việc nhà mới là lối sống Tây là quan điểm lệch lạc, hiểu không đúng, thậm chí đánh tráo khái niệm nữ quyền. Những quan niệm "tứ đức, tam tòng" trong chế độ phong kiến đã có thay đổi phù hợp với xã hội hiện đại, song không có nghĩa người phụ nữ hiện đại bỏ quên những giá trị truyền thống về gia phong, gia đạo, gia huấn. Dù ở thời đại nào công - dung - ngôn - hạnh vẫn nguyên giá trị cho người phụ nữ hiện đại soi mình để hoàn thiện", Tiến sĩ Hoài Anh chia sẻ.

Những ngộ nhận về nữ quyền hiện đại

Theo anh Trần Linh Sơn - Giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam), nữ quyền tại Việt Nam hiện nay được thể hiện rõ ràng hơn rất nhiều so với quá trình phát triển hơn 100 năm trước đây, qua đó chúng ta thấy người phụ nữ hiện đại có thể tham gia mọi mặt trận trong lĩnh vực cuộc sống và khẳng định được vị thế của giới nữ của mình, từ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho đến chính trường hay kinh tế xã hội đều có những gương tiêu biểu xuất hiện.

Thế hệ Gen Z ngoài việc tiếp nhận dễ dàng xu hướng này từ sự phát triển của xã hội nói chung thì cũng là sự tiếp nối đương nhiên với các thế hệ đi trước để lại thông qua truyền thông thông tin và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ đã có những hiểu sai về nữ quyền hay bình đẳng giới.

Theo anh Trần Linh Sơn, một bộ phận giới trẻ ngày nay đã ngộ nhận về nữ quyền ở những vấn đề sau:

Một là, ngộ nhận về nữ quyền hiện đại dẫn tới đánh mất vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Trong khi đó, vai trò của người phụ nữ luôn gắn với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Theo đó, người phụ nữ là người thầy đầu tiên của con cái; đảm nhận vai trò cao cả duy trì, phát triển nòi giống, tái sản xuất sức lao động; nuôi dạy con cái; giáo dục hình thành nhân cách thế hệ trẻ; trao truyền những giá trị văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Hai là, ngộ nhận nữ quyền không ủng hộ các mối quan hệ lãng mạn, căm ghét đàn ông và phản đối hôn nhân. Một số phụ nữ trẻ tự trao cho mình quyền tự do, không trói buộc hôn nhân, không sinh con, không vướng bận con cái… Điều này, phụ nữ đã cắt hẳn sợi dây với truyền thống, thiên chức là điều hết sức nguy hiểm.

Ba là, đánh giá thấp và coi nhẹ vai trò của người đàn ông. Khi phụ nữ muốn hơn thua với đàn ông, họ có thể cố gắng thật nhiều để đạt được mục tiêu đó, sau khi phụ nữ có thể làm được tất cả những việc đàn ông có thể làm và thậm chí là làm tốt hơn họ, phụ nữ sẽ bắt đầu nảy sinh ra những suy nghĩ hạ thấp vai trò của đàn ông, thậm chí là coi thường.

Nhiều khảo sát đã chỉ ra, khi phụ nữ càng trở nên thăng tiến trong sự nghiệp, họ càng dễ ly hôn ngay cả khi môi trường bên ngoài hỗ trợ cho người phụ nữ chăm sóc gia đình khi họ thăng tiến trong sự nghiệp. Lý do của điều này chính là vì nhiều cặp vợ chồng trở nên "căng thẳng và xích mích" khi có sự thay đổi trong việc phân chia vai trò kinh tế và xã hội trong gia đình.

Bốn là, người phụ nữ phải độc lập kinh tế, không phụ thuộc kinh tế vào đàn ông. Thực tế phụ nữ hiện đại, nhất là phụ nữ trí thức có sự độc lập, quyết đoán, giải quyết mọi việc theo tư thế hiện có của mình. Trong trường hợp này, nếu phụ nữ thiếu cách ứng xử văn hóa sẽ dễ tự phụ, coi thường chồng. Người chồng dễ mắc vào hoàn cảnh tự ti, yếu thế, mất mặt với gia đình, bạn bè… Tùy vào hoàn cảnh "liệu cơm gắp mắm" ai có lợi thế sẽ phát huy nhưng cần nhất cách ứng xử văn hóa.

Mai Châm

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hà Nội   Hôn nhân   TikTok   Việt Nam   Xã hội   căng thẳng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...