09/12/2021 14:10  
Đây là con số được nêu tại cuộc làm việc của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương với tỉnh Đồng Nai, An Giang và TP Cần Thơ về việc tổng kết Nghị quyết 26 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cuộc làm việc diễn ra chiều 8/12, do Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chủ trì.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi kiến nghị Nhà nước cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng (Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM) nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, có chính sách kêu gọi, thu hút BOT, tư nhân, các thành phần kinh tế khác vào nông nghiệp, nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư kiến nghị Nhà nước có các dự án, chương trình hỗ trợ cho nông dân thuộc vùng quy hoạch giữ đất lúa để đảm bảo sản xuất có lợi, nâng cao thu nhập.

"Đặc biệt, cần xóa bỏ quy định về mức hạn điền, có chính sách ưu đãi hơn nữa để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn", ông Thư nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh cần chính sách đầu tư thỏa đáng hơn cho nông nghiệp, nông thôn.

Ông Hè kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, hoàn thiện chính sách về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở, nhà máy ở vùng nông thôn để thu hút lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Tú Anh nêu thực tế vừa qua do tác động của dịch Covid-19, người nông dân dễ bị tổn thương lại càng tổn thương hơn, ngay cả những người dân đã ly nông, ly hương.

Ông Tú Anh dẫn chứng về thống kê sơ bộ đợt dịch vừa qua: Khoảng 1,3 triệu lao động rời bỏ thành phố về quê, số người mất việc làm có khả năng tới hơn 3 triệu người. Vấn đề lúc này, rất nhiều người quay trở về quê hương nhưng khu vực nông thôn chỉ có khả năng hấp thụ tăng thêm chưa đến 500.000 việc làm.

"Dòng lao động lại di cư ngược, tạo ra sức ép lớn trong đời sống người nông dân ở quê nhà. Rõ ràng việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế, đảm bảo ly nông bất ly hương là vấn đề lớn", ông Tú Anh nhìn nhận.

Kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đề nghị tìm lời giải cho bài toán "phát triển khu vực nông nghiệp gắn công nghiệp dịch vụ, làm sao ly nông không ly hương?". 

Theo ông, cơ chế thu ngân sách hiện nay tạo áp lực lớn cho các tỉnh nên để phát triển thuần nông rất khó khăn, nhiều địa phương phải triển khai dự án công nghiệp, đô thị để tăng thu.

Nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục là "trụ đỡ" của nền kinh tế, ông Hưng cho biết Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và bước đi, biện pháp cụ thể phải là chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất lớn…

Theo ông Hưng, các địa phương đầu tư phát triển hạ tầng nhưng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sinh kế.

"Phải làm cách nào tạo sinh kế cho người dân tại quê nhà. Đây là bài toán tổng thể từ đào tạo nhân lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp. Trên bàn ăn của người dân chỉ có 20% giá trị nông sản của nông dân, còn 70-80% ở các lĩnh vực khác, cho thấy lợi ích kinh tế chưa thật sự hấp dẫn bà con", ông Hưng nhìn nhận.

Từ đó, ông kiến nghị cần có chính sách thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thái Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bình Thuận   Covid   Covid-19   HCM   Kinh tế   Nông nghiệp   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị   quy hoạch   sản xuất   Đồng Nai   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...