14/12/2021 10:10  
Nhìn lại 100 ngày giãn cách, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM Trần Việt Anh cho rằng nhiều doanh nghiệp "trở tay không kịp". Để sống sót qua những ngày "khủng khiếp", các doanh nghiệp phải cải cách.

Kỳ vọng 640 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu

Ngày 13/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề "Sản xuất an toàn trong đại dịch" tại TPHCM. Nội dung chính được các chuyên gia, khách mời tập trung trao đổi xoay quanh việc gỡ rối cho các doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp.

Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, sau khi phủ được vaccine, kiểm soát được dịch bệnh, TPHCM chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp đã bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến thời điểm này, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục 100% hoạt động

Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 người. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang tăng tốc để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ khu vực Hoa Kỳ, châu Âu và các nước cho mùa đông và Giáng sinh. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua. Năm nay, cả nước kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của Trung ương, TPHCM sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để xứng đáng là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, là trung tâm thương mại, dịch vụ khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục.

"Tôi cho rằng doanh nghiệp hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Được biết, hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Tôi cho rằng, đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp", PGS. TS Trần Hoàng Ngân nêu giải pháp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu chi phí logistics đang rất cao do hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Do vậy, theo ông Ngân, Chính phủ nên tăng thêm gói đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng, để tháo gỡ các nút thắt ra vào sân bay, bến cảng, giảm bớt chi phí logistics.

"Việc sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được các doanh nghiệp đề cập là do tổng cầu giảm. Tôi cho rằng Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc Covid-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm", ông Ngân kiến nghị.

Doanh nghiệp phải thay đổi hoặc là chết!

Chia sẻ về những khó khăn vừa qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh cho biết: "Đối với các doanh nghiệp ở TPHCM, đợt dịch vừa qua bùng phát hết sức đột ngột, nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp. Do vậy, 100 ngày giãn cách nghiêm ngặt vừa qua đối với doanh nghiệp là cú sốc nếu không nói là khủng khiếp".

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM thừa nhận, các doanh nghiệp khi xây dựng các nhà máy và các kế hoạch sản xuất kinh doanh đều có những rủi ro như rủi ro về cháy nổ, ngập lụt, an toàn lao động nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch. Do vậy, khi dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản.

Tuy vậy, qua đợt dịch này, các doanh nghiệp cũng đã có những chiến lược mới để buộc phải "thay đổi hay là chết". Đặc biệt, trước nguy cơ từ biến chủng Omicron, các doanh nghiệp càng cần phải cải cách nhanh hơn.

"Trước đó, doanh nghiệp thường xây dựng các quy trình trong hoạt động kinh doanh của mình như quy trình phòng cháy chữa cháy, đảm bảo môi trường… thì nay doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến quy trình về sức khỏe người lao động. Đến nay, khoảng 70% các doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có người đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, nhận ra được triệu chứng, nhận định tình hình sức khỏe các F0 như nào, xác định thời điểm nào cần tổ chức xét nghiệm", ông Việt nhấn mạnh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp phải sắp xếp lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh được xây dựng trên quy trình cố định mấy chục năm nay, giờ phải thay đổi. Đầu tiên là hoạt động của văn phòng cần mang tính trực tuyến nhiều hơn, các cuộc họp cần hạn chế diễn ra trong phòng kín, triệt để tổ chức họp nhanh, họp ít người. Trong nhà xưởng, điều quan trọng nhất lúc này là vấn đề thông gió, đây là yêu cầu phải đặt lên hàng đầu.

"Về tuyển dụng lao động, trước đây chủ yếu đánh giá về năng suất, kỹ năng, giờ phải thêm vấn đề ý thức. Hiện nay, ý thức của người lao động cực kỳ quan trọng nhất là khi làm việc theo nhóm. Người lao động có kỹ năng, năng suất cao nhưng nếu bữa bãi trong hoạt động, trong sinh hoạt thì cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất", Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn khẳng định.

Ông Việt nhận định, trước đây, doanh nghiệp chỉ quan tâm trả lương cao cho người lao động, chế độ ăn uống, môi trường làm việc nhưng doanh nghiệp chưa quan tâm đến chỗ ở. Tuy nhiên, sau dịch, các doanh nghiệp đã có bộ phận chuyên trách để kiểm tra xem nhà trọ của công nhân đã đủ tiêu chuẩn chưa nhằm ngăn ngừa việc lây nhiễm khi công nhân đi về nhà trọ.

"Cơn bão Covid-19 cũng là dịp sàng lọc cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Đây là trải nghiệm mà trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, doanh nghiệp TPHCM... thấm nhất", ông Việt chia sẻ thêm.

Xuân Hinh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   TPHCM   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị   logistics   sân bay   sản xuất   trung tâm thương mại  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...